VỊ  CHÂN  SƯ

Vị  Chân  Sư (tt)

 

III

Cyril Scott  The Initiate

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

 

Antonius lại bắt đầu quay bước về nhà, lòng nhẹ nhõm và trí đầy mơ mộng cùng sự hăng hái mà anh không tìm cách đè nén. Anh bước đi, chìm đắm trong sự trầm tư vui vẻ, đột ngột có một tư tưởng phóng thẳng như mũi tên vào óc, làm cho trong một phút chốc anh có cảm tưởng như mọi dự tính tan vỡ như bọt xà phòng nổi trôi trong không. Vì khi quẹo khúc quanh trên đường đang đi, hình ảnh rặng núi xa chợt hiện ra trước mặt, vầng trăng tròn vừa lên tới đỉnh cao nhất soi nghiêng bóng núi trên nền trời xanh đen thăm thẳm. Anh nói thầm.
– Chắc chắn ta có điên mới nghĩ là có thể đi lên tới độ cao mây phủ như thế, trong khi biết rõ là từ xưa đến nay chưa hề có ai đặt chân lên đó, và chưa có lữ khách nào trở về kể chuyện. Và ông hành khất già hẳn đang cười nhạo ta trong lòng, càng đáng cười hơn nữa vì ông không cho hay phương hướng lên núi, mà chỉ cho hay điều kiện theo đó ta phải đi. Mà không phải ta đã không để cho ông đi trước khi xin ông hứa là sẽ trở lại và cho biết thêm phải tiến hành ra sao ư ? Dễ thường nay ông đã đi mất biệt rồi, tìm ông chỉ vô ích như tìm vỏ sò nào đó trên đáy biển.
Rồi đột nhiên khi tới khúc quanh chót đằng trước nhà anh, làm như đối nghịch với tư tưởng của anh, ngay chỗ đó anh thấy chính ông lão hành khất ngồi chờ ở cửa vườn; tim anh đập rộn rã vì mong đợi, nên anh rảo bước cho tới khi lại đứng trước mặt ông. Người hành khất ấy đứng dậy, cúi người, mà không có lời mở đầu và không chờ cho Antonius lên tiếng, chẫm rãi nói như thói quen của ai lớn tuổi.
– Và nay, vì anh đã quyết định đi, và tìm được người đi với anh, hãy nghe kỹ điều lão sắp nói, vì không có chỉ dẫn thì rất khó cho anh tìm ra đường, người dẫn đường và nơi nghỉ chân ở mỗi chặng. Nhưng trước tiên hãy để lão đưa anh linh vật này, anh phải đeo vào cổ, dấu dưới áo vì nó là biểu tượng cho vị thầy tương lai biết anh là ai, và anh tìm kiếm điều chi; cũng như anh phải trình nó

ra mỗi khi có đòi hỏi, bằng không anh sẽ không nhận được chỉ dạy, và như thế cuộc hành trình thành uổng công.
Nhưng Antonius kinh ngạc ngắt lời ông và nói.
– Lão trượng với bao điều bí ẩn ! Làm sao ông biết là tôi quyết định làm cuộc hành trình lạ lùng này kia chứ, đừng nói tới chuyện tôi đã tìm ra một người bạn đường ?
Nhưng ông lão đưa tay ra dấu cho anh yên lặng, nói.
– Lão không có giờ để trả lời những câu hỏi vẩn vơ; vậy hãy cầm lấy linh vật này như anh đã nói, và nghe tiếp chuyện lão phải dặn anh.
Thành ra Antonius đỡ lấy linh vật từ tay ông, ông tiếp ngay.
– Giờ hãy biết rằng mục tiêu đầu của anh là ngôi làng nằm ở  sườn thấp nhất, dưới chân hai hòn đá lớn de ra mà anh sẽ thấy khi đi tới, khoảng một ngày đường đi bộ. Tới căn nhà ở cuối làng mà anh biết chỉ có một con đường dài, hãy gõ cửa, chủ nhà sẽ mời vào và cho anh hay phải làm gì tiếp. Chỉ cần mang theo ít tiền, ăn mặc giản dị, trông lôi thôi như hành khất hơn là phú gia; và không mang theo gia nhân nào, nhưng chỉ có một vũ khí cho anh chống đỡ khi bị tấn công, và một cây gậy giúp anh lên núi. Nay xin tạm biệt, và xin thần thánh hướng dẫn, che chở anh trên đường.
Không nói thêm lời nào hay có cái nhìn nào, người hành khất ấy quay đi, theo khúc quanh con đường mất dạng. Antonius, một mặt cảm thấy hoang mang, mặt khác lại hoàn toàn tin vào tư cách của ông lão, qua cổng vào nhà, nhất quyết lên đường không để trễ nãi hơn. Anh gọi gia nhân tới dặn dò.
– Ta sắp đi xa lo chuyện làm ăn hệ trọng, nhưng trong chuyến đi có bạn bè tiếp đón, vì vậy ta không muốn đem gia nhân theo, và muốn chuyến đi không có hành lý, người hầu hay bất cứ bận rộn chi. Ta đã định ngày mốt lên đường.
Sau khi cho hay như thế và ăn bữa tối đang chờ sẵn, Antonius đi nằm và ngủ một giấc tới sáng, nằm mơ thấy lão trượng bí ẩn khôn ngoan, Pallomides và Cynara, và đỉnh núi tuyết phủ tất cả hòa lẫn vào nhau, như là điều hay thấy  trong mộng mị.

IV

 

   Tới ngày đã định Antonius và Cynara cùng lên đường, vì anh đã nhờ người báo tin với cô, cho hay điểm hẹn và ngày giờ ra đi. Anh cũng  không quên chào giã biệt Pallomides trong căn villa của bạn ở sát biển, vì ai biết được là sẽ có sự phân ly dài giữa hai người, hay có thể là sẽ  không có kết thúc chi. Hai người lữ hành bước đi khó nhọc trong nhiều giờ trên đường bụi, lúc nghỉ, lúc đi tiếp, lúc giải khát ở quán cạnh đường, hay nằm soài trên cỏ cạnh bờ suối nghỉ chân; đôi lúc họ ngâm bàn chân nóng và đau nhức vào nước lạnh của dòng sông, vốc nước rửa sạch bụi và mồ hôi tiết ra dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt. Khi Antonius cảm thấy mệt mỏi với thời khắc trôi qua, anh nghĩ thầm.
– Ta quả là điên rồ mới chọn cách đi như ăn mày, không ngựa không gia nhân, lê chân bước nặng như đá mỗi lúc một tăng theo từng bước chân. Mà ta giàu sang, chỉ vì lời nói nhăng nói cuội của một ông lão hành khất lại bỏ hết chăn ấm nệm êm sau lưng, lên đường đi tìm điều mà ta cũng  không biết là điều chi.
Nhưng khi anh nhìn sang người bạn đồng hành can đảm lặn lội bên cạnh anh, gương mặt cô bình thản không lời kêu ca, tuy quầng mắt cô sâu thêm vì mệt mỏi. Và đáp lại cái nhìn của anh, cô nở nụ cười làm như sự mệt mỏi và khuyến khích hòa làm một; nhưng cô không nói gì, vì quá mệt không tìm ra lời để nói. Antonius nghĩ thầm.
–  A, phải chi ta có thể thương yêu cô như cô yêu thương ta, con đường của ta hẳn sẽ bớt chán ngán rất nhiều, và được tươi sáng chỉ bởi điều rất nhỏ là họ nụ cười, như cô tươi tắn lên khi ta tỏ ý quan tâm đến cô. Thật cô phải có trái tim cao thượng để tin tưởng tuyệt đối vào ta như thế, và yêu thương ta trong bao nhiêu năm dài, ngay cả khi có ảo tưởng về bao cuộc tình khác; và nếu cô  không tàn tạ nhiều như thế, biết đâu ta có thể thương yêu cô đáp lại một chút ?
Và anh nhìn lại cô lần nữa, nhưng lần này  mỉm cười với vẻ tốt lành trong ánh mắt mà anh chưa lộ ra trước đây, làm cho cô cười đáp lại với một niềm vui thoảng qua trong mắt; anh cảm thấy có thể tác động lên tâm hồn cô như bàn tay người nhạc sĩ dạo trên cây thụ cầm, tìm cách làm vang lên âm thanh hoan lạc. Ngay khi ấy một tư tưởng vụt hiện ra trong trí làm anh thật vui, nói thầm trong lòng.
– Ta có trò mới để chơi cho quên những giờ phút lặn lội, và khiến ta mau tới đích à ? Chính sự giản dị của trò là phân nửa nét lôi cuốn của nó, nó có thể chơi ở bất cứ đâu, và  không phải chỉ giữa người bạn đồng hành hiện thời với ta. Mà thật lạ lùng ta chưa hề nghĩ đến nó trước đây, vậy mà ánh mắt của một thiếu phụ tàn tạ thương yêu ta, người mà ta không thể giả vờ yêu trả lại, lại là điều đầu tiên mở mắt cho ta thấy có nó. Nếu chuyện khác đi, nếu ta thương cô đáp lại, nhiều phần là mọi chuyện sẽ vuột khỏi trí ta, bởi nó mê mẩn vì tình yêu và lòng si dại, nên mù quáng với chuyện tế nhị hơn của con tim. Nay ta nhìn lại cô với ánh mắt còn thân thiện hơn trước, và để ý tới đáp ứng của cô, đã vì sao đó làm cô được vui, và ngắm nhìn ảnh hưởng của nó trên mặt cô, chẳng những làm ta vui một chút, mà còn mở tim ta như thể chiếu vào đó một tia nhỏ bé của biển hoan lạc vô biên, bí ẩn, sinh động bên ngoài.
Và anh nhìn cô lần nữa, lần này với nụ cười nhân từ, cầm lấy tay cô để giúp cô tiến lên đoạn đường dốc họ đang đi. Cô quay sang anh, tia nhìn có trộn lẫn với sự hân hoan, quí mến và cảm tạ, ép cánh tay của anh vào người cô một chút để đáp lại, tuy nhiên  không thốt ra tiếng nào. Rồi anh ân cần nói.
– Khi lên tới đầu con dốc này, mình sẽ nghỉ một lát trước khi đi sang làng xa kia tìm chỗ trọ qua đêm, vì cô đã đi đủ xa rồi và can đảm làm chuyện của mình không chút than van, ngay cả khi trời nóng bức và ngày dài lê thê. Nhưng tôi cảm thấy ngọn gió mát nổi lên từ biển đằng kia bên phải, và chúng ta đã lên tới vùng đất cao hơn. Tôi mong tứ chi cô cũng như tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ bớt, bởi trên đồi giữa rừng thông  không khí thoáng đãng hơn.
Cô đáp.
– Đúng rồi, tim tôi nhẹ nhõm làm cho sự mệt nhọc ở chân tay gần như quên đi, và dù sự mệt nhọc có cột chân tôi vào mặt đất, tinh thần tôi lại tự do, cởi bỏ hết xích xiềng nặng hơn bất cứ gì có thể ràng buộc thân tôi; và tôi chịu ơn anh hết tất cả những điều này, bởi anh đã chọn tôi làm bạn đồng hành thay vì bao kẻ khác thích hợp hơn để đi với anh trong cuộc hành trình lạ lùng của anh.
Anh bảo.
– Không đâu, về chuyện này tôi phải giải thích với cô, là mỗi ai khác đã cười chê tôi, nhất định từ chối  không đi cùng; do đó nếu  không nhờ cô hẳn tôi không thể nào lên đường, và phải bỏ cuộc. Nay, tôi mừng là có cô làm bạn đồng hành thay vì ai khác trong những người kia, nên tôi nghĩ số mạng đã chọn cho tôi hay hơn là tôi chọn cho mình. Bởi làm sao tôi có thể tìm được một người đồng chí chịu được gian khổ và đáng tin như cô ? Và ai có thể nói là chỉ dẫn cho tôi không chừng cũng sẽ do cô mà có, bởi cuộc hành trình này không gì khác hơn là cuộc hành trình tìm hiểu biết, và mỗi yếu tố trong đó có lời nhắn nhủ cho ai đủ bén nhậy để hiểu ra.
Cô nhìn anh đáp lại với nét ngọt ngào tới mức trong một lúc sự thâm trầm trong mắt cô át đi vẻ tàn tạ, làm anh tự nhủ.
– Biết đâu nói cho cùng ta vẫn còn thương yêu cô một chút, vì cho dù cô đã tàn phai nhan sắc, đôi mắt cô lại dịu dàng không sao tả được, và giọng nói cô êm nhẹ như hồi nào đến giờ.
Nên anh bóp chặt cánh tay cô thêm một chút, dịu dàng đỡ cô lên tới đỉnh ngọn đồi.

V

 

Và đêm hôm ấy, như anh đã hứa, họ ngủ trong quán trọ rồi khi trời sáng, dậy sớm lên đường, đi quanh co dọc theo những con suối róc rách, xuyên qua rừng thông có tán xòe ra như tán cây dù, và những khu vườn cam, cây olive, đủ mọi loại cây trái rậm rạp, lấp lánh trong ánh nắng chói lọi của mặt trời. Chung quanh họ là núi đồi uốn lượn và thung lũng xanh tươi, lấm tấm điểm hoa, có tiếng ríu rít véo von của bao con chim  kèm với tiếng vo ve của cơ man nào là sâu bọ, say sưa trong buổi sớm mai. Trọn ngày dài, cho dù mặt trời  chiếu hừng hực tuôn từ đỉnh đồi, con đường của hai kẻ lữ hành dẫn ngang qua vùng râm mát, giữa hai triền núi có cây, mát và ẩm do nhiều dòng suối nhỏ chẩy. Tim họ hân hoan và hòa hợp khi sánh bước cạnh nhau, phơi phới trong cơn gió nhẹ nhàng thổi qua thung lũng, làm tâm hồn mở rộng tới mức ngất ngây. Antonius nghĩ thầm khi cất bước.
– Hôm nay ta phải chơi trò vừa khám phá nhiều hơn hôm qua, để ý xem ảnh hưởng của nó đối với bạn đồng hành khi chúng ta cùng đi.
Thành ra thỉnh thoảng anh rẽ vào một trong những cánh đồng cỏ, để hái cho cô một bông hoa đặc biệt mà anh bắt gặp đứng giữa rừng hoa nở rộ, tạo ra cảnh sắc lạ lùng trong thảm hoa lan ra trên cỏ. Rồi anh đưa hoa cho cô, ngắm nhìn sự biểu lộ con đôi mắt mầu hạt dẻ của cô khi cô đón nhận hoa từ tay anh. Khi dò xét cô, mắt anh dịu xuống với sự ngọt ngào của tình thân ái, anh nhủ thầm.
– Bao nhiều năm ta đã sống mà  không học được chuyện thật giản dị, là cho ra một phần của tim mình với bàn tay của mình; bởi cho dù tụ họp bạn bè lại xung quanh, đãi đằng ăn uống, rượu thượng hạng, nhưng ta làm vậy  không phải vì niềm vui của việc cho ra, mà  chỉ  để ta vui thích vì có họ chung quanh, và giải trí với lời đùa cợt nhảm nhí. Chẳng lạ gì ta hóa chán chường với sự huyên náo và ngu dại, thấy nó không để lại niềm vui thú nào trong tim, mà chỉ là phản ứng với sự khô khan  không sao chịu được, thúc đẩy ta có thêm, để làm ta có thể chìm đắm và quên phản ứng đó với quá độ hơn nữa.
Khi chiều tới và vầng dương đỏ ối chìm khuất dần xuống biển ngoài xa, cuối cùng họ tới đích của ngày hôm ấy là một ngôi làng nép mình dưới chân hai tảng đá lớn mà ông lão hành khất đã tả. Rồi khi đi vào con đường dài như được dặn, dân cư tò mò thắc mắc nhìn hai người; sau khúc đường dài họ đi tới căn nhà chót hết, nằm cách xa một chút những căn nhà khác trong vườn, chung quanh có cây bao bọc. Antonius lấy cây gậy của mình gõ cửa, nó mở ra thấy một người đàn ông điềm tĩnh, phong cách đáng trọng, gương mặt có nét hiền hậu làm người ta cảm nhận ngay trong lòng. Ông nói.
– Xin mời vào, hỡi khách lạ mà  không phải khách lạ, vì tôi đang chờ bạn tới trừ phi tôi lầm và bạn  không phải là lữ khách mà tôi mong đợi ?
Antonius lập tức lấy trong áo linh vật anh được dặn phải đưa ra, nói.
– Ông đoán đúng lắm, như ông có thể khi xem xét dấu hiệu này. Nhưng làm sao ông biết là chúng tôi sẽ tới, vì chắc chắn là  không có người đưa tin nào cỡi ngựa đi trước chúng tôi, và báo cho ông hay lúc chúng tôi đến ?
Nhưng người đàn ông đứng ở cửa chỉ mỉm cười và nói.
– Xin hãy vào nhà trước đã, nghỉ ngơi cho tỉnh và sau đó hỏi chuyện tôi, vì hẳn các bạn đã mệt nhoài sau khi đi bộ chặng đường dài như vậy trong ngày nóng bức mùa hè, và bà nhà tôi đang chờ người bạn đồng hành của bạn (trên hàng hiên ngó ra vườn), sẵn sàng đưa cô về phòng của cô và xem có cần điều chi, cũng như tôi xin được phục vụ bạn.
Tối hôm ấy, sau khi hai người đã nghỉ ngơi lại sức và dùng bữa cùng hai vợ chồng chủ nhân tên Aristion và Portia, khéo léo chìu đãi khách cũng như là có diện mạo đẹp đẽ; Aristion đưa hai người khách vào một phòng khác, mời họ ngồi còn ông ngồi xuống  đối diện. Ông quay sang Antonius với nụ cười hiền lành và nói. 
– Vậy ra anh đang đi tìm Minh Triết bí truyền, và các Chân Sư Minh Triết đã chỉ đường cho anh đến tôi để tôi có thể cho anh lần chứng đạo đầu tiên ?
Antonius đáp.
– Tôi biết rất ít về các Chân Sư mà ông nói, chỉ có hiểu biết nhờ đọc qua vài quyển sách xưa, và từ một nhà hiền triết giả dạng làm ông lão hành khất, mà sau khi quở trách tôi là phải bỏ việc học vì thực tế mà nói chẳng ích lợi gì, đã gửi tôi đến ông. Nhưng tôi không được phép đi một mình, mà được dặn phải mang theo bạn đồng hành  như ông thấy - để cô có thể chia sẻ hiểu biết nếu như tôi có được; ấy là điều kiện đặt ra và không làm nó thì chắc chắn sẽ thất bại..
Aristion nói.
– Anh làm khá lắm, đã thực hiện được điều kiện đầu của vị gửi anh đi, và do vậy, tôi sẵn sàng và vui lòng đóng vai trò giảng viên cho anh, tới một giai đoạn nào đó, và nếu anh tỏ ra sẵn lòng, sẽ giao anh cho một người khác cao hơn tôi.  
Antonius hỏi.
– Thế ông lão hành khất thực ra  không phải là hành khất, mà là người ông gọi là một đấng cao cả giả dạng ư ? Tôi cũng nghĩ như vậy, vì sự hiểu biết của ngài không giống như sự nghèo hèn nơi ngài, và cách nói chuyện làm lộ ngài ra, thay vì dốt nát lại thanh nhã !
Aristion cười và trả lời.
– Anh đoán  không sai đâu, mà cũng chưa hẳn đúng thực vì ông vẫn còn là một đệ tử được thầy của ông gửi đi, sẵn lòng đến cho anh được tỏ tường mà không hoàn toàn do ý riêng của ông. Cũng như ông không phải là người gửi anh tới đây mà là thầy của ông, dùng ông như phát ngôn viên và sứ giả, mà không là gì hơn. Và quả thật tùy theo cách anh tiếp đón ông mà nó cho biết  tim anh có sẵn sàng để nhận sự hiểu biết của nhóm chúng tôi hay không; và nếu anh xua đuổi ông thì anh đã đóng cánh cửa đầu tiên trên đường đạo bằng chính đôi tay của mình, vì quả thật chìa khóa của bước đầu tiên cho mọi sự giác ngộ là niềm tin và óc phân biện,  không có chúng thì  không sao thụ đắc được chi cả.
Sau khi nói xong ông quay sang Cynara và hỏi. 
– Còn cô, cô có sẵn lòng muốn được chỉ dạy giống như bạn của cô ? Nếu vậy, xin cho tôi hay đôi điều về cô, vì tôi đã biết một chút về anh bạn theo cách mà vào lúc này chưa tiện nói, nhưng  không biết gì về cô.
Cynara hơi đỏ mặt một chút và nói nhỏ nhẹ.
– Quả thật tôi muốn đi với anh ấy tới bất cứ chỗ nào anh muốn đi, và học cùng với anh điều gì anh có thể học, vì tôi đã hứa như thế; nhưng tôi  không biết ông có sẵn sàng để chỉ dạy tôi khoa học cao cả như thế chăng, vì đời tôi xấu xa, và tôi đi theo con đường xác thịt thay vì tinh thần, làm tình nhân cho người nên nói chung không phải là kẻ thích hợp được ông chỉ dạy.
Aristion mỉm cười nhân hậu với cô và nói.
– Và cô đã yêu thương rất nhiều, anh là mối tình chót của cô, gợi hứng cho cô bỏ lối sống trước và thay vào đó tìm kiếm minh triết, bên cạnh anh ?
Cynara trả lời.
– Tuy tôi yêu thương nhiều người, quả thật tôi yêu thương anh nhiều nhất; và anh  không phải là người sau cùng như ông đoán, mà là người đầu tiên, người tôi không hề quên và nghĩ tới luôn luôn, tuy hai chúng tôi đã chia tay và tôi vui chơi với kẻ khác thay cho anh.
Antonius ngắt lời cô và nói.
– Đúng là chúng ta đã chia tay, như cô cho ông hay, nhưng tôi là người muốn thế mà không phải do lỗi cô. Vì khi tôi chán chường với bạn bè nhậu nhẹt và lối sống ồn ào của tôi, tôi gạt họ đi và bỏ cô cùng với họ, bảo cô rằng tôi không muốn gặp cô nữa. Thế nên tôi mới là người đáng trách mà  không phải cô.
Aristion nhìn cô với vẻ hiền từ, cười và nói.
–  Không, chúng tôi không hề trách móc ai, vì tôi là ai mà trách cứ người chưa hề làm gì bậy đối với tôi ? Hơn nữa, tuy lời nói có hơi nhàm một chút, nhưng đúng là kinh nghiệm là thầy tốt nhất, và ai chưa sống chút nào thì không phải là ứng viên thích hợp cho khoa học của linh hồn; vì điều gì chưa hề nếm họ có thể ao ước muốn nếm nó trong tương lai; dù chỉ vì tò mò hơn là lý do nào khác. Và như vậy cho vài người, nền tảng vững chắc nhất cho con đường hiểu biết là sự no ứ mà không phải là thiếu kinh nghiệm, vì chỉ những ai đã tự mình biết ham muốn thì mới hiểu và chấp nhận dục vọng nơi người khác, tức có được lòng kiên nhẫn và thiện cảm, hai điều mà nếu không có sẽ không sao đạt được minh triết và hạnh phúc đúng thực.
'Vì trong chuyện xấu luôn luôn có ẩn dấu một điều tốt nào đó cho ai biết cách tìm, nên trong cõi của vẻ ngoài này sự phân biệt giữa tốt và xấu chỉ là mức độ hơn là sự khác nhau; ấy là chân lý tinh tế mà chỉ có người khôn ngoan mới biết. Thế nên, thay vì trách mắng cô là đã nếm lạc thú, ngược lại tôi nghĩ cô có hai lợi điểm vì bài học mà cô đã học có thể không sao có được theo cách nào khác.
'Hơn thế nữa, ai lạnh lùng không si mê, vì thiếu sức lực và sinh lực, thì là người chí nguyện vô dụng trong khoa học của linh hồn, bởi nó đòi hỏi tình cảm, nhiệt tâm và quyền lực thay vì sự yếu ớt và bất lực; vì làm sao một ham muốn thấp có thể được chuyển biến sang ước nguyện cao hơn nếu trước tiên họ không có điều nào hết ? Vì cốt yếu của minh triết là sự chuyển hóa điều thấp hơn thành điều cao hơn, và nếu  không có diễn trình này thì tuyệt đối không thể có được việc đạt tới kết quả sau cùng, và thực tế là làm cho nỗ lực chỉ vô ích.
'Nay, đêm đã khuya và trí não đã mệt mỏi không thể thông hiểu triết lý thiêng liêng và học các bài học, hãy hưởng sự mát mẻ trong vườn, để tâm hồn nghỉ ngơi dưới ánh trăng, vì như bạn thấy qua khung cửa sổ trăng đang lên trên đỉnh đồi, làm tràn lan cảnh vật với ánh sáng tuyệt vời của nó. Ngày mai ta sẽ thảo luận tiếp, mỗi ngày như thế, cho đến khi tới ngày giờ bạn lên đường tìm thầy khác. Từ đây tới đó bạn là khách của tôi và tôi rất vui có bạn lưu lại nơi đây, bao lâu tùy thích.

 

VI

 

Buổi sáng Antonius dậy đúng giờ, lòng nhiều mong đợi với niềm vui bình thản mà anh chưa hề cảm thấy trước đây. Anh nghĩ thầm.
– Nhà này có sự bình an vượt hẳn bất cứ nơi nào ta đã bước vào, có lẽ chỉ trừ nhà của Pallomides bạn ta, căn villa sát biển. Ta vui thích nơi đây quá nên tới lúc rời đi hẳn phải rất buồn. Hơn thế nữa chủ nhân và phu nhân ông tỏa ra chung quanh họ sự an nhiên và nhân từ, làm mới nhìn thấy ngay họ rất dễ thương, khiến ta cảm thấy như đã quen biết họ nhiều năm, không phải chỉ mới gặp vài giờ. Nay ta tự hỏi cặp vợ chồng đầy lòng nhân và khoan hòa này sẽ dạy điều chi, vì ta thấy ông không phải là thầy nghiêm khắc, nghe lời nói chuyện của ông tối qua là biết, và cách thức ông chấp nhận lỗi lầm của ta, thật khác hẳn với lời răn đe nghiêm khắc đọc trong nhiều sách.
Lúc anh đang suy nghĩ như vậy có người giúp việc đi vào phòng và thưa.
– Chủ nhân tôi kính mời ông khi rảnh rang xin ra dùng bữa sáng ngoài vườn, cạnh suối phun.
Nên sau khi chải gỡ đầu tóc, Antonius đi ra vườn như được dặn, và dùng bữa sáng cùng với Aristion, vợ ông và Cynara, dưới bóng cây, có tiếng nước róc rách của suối phun du dương tạo thành nền êm dịu cho cuộc chuyện trò của họ, với gió nhẹ làm bầu không khí mát mẻ, hơi nước lấp lánh ngũ sắc mỏng manh. Khi xong bữa Aristion nói.
– Ta sẽ học sáng nay ở cuối vườn trong gian nhà nhỏ, giữa những cây thông. Tôi sẽ chờ hai bạn ở đó một tiếng nữa, khi làm xong những việc khác của tôi.
Trong khoảng thời gian đó, Antonius cùng Cynara thơ thẩn dạo chơi, đi ra khỏi vườn tới lưng đồi, Antonius nghĩ.
– Trông đỉnh núi tuyết phủ mà ngày kia ta phải đến thật khó lên và xa xôi, mà ta cũng nghi ngại chưa biết mình sẽ lên được hay  không. Nay đến gần hơn nó lại có vẻ xa hơn nữa thay vì phải là ngược lại, và từ đây nhìn trọn hình dạng ngọn núi trông thật đáng sợ so với khi nhìn nó ở chỗ của ta.
Anh quay sang Cynara và nói.
– Vấn đề là đôi chân nhỏ bé của cô làm sao leo được ngọn núi xa lắc kia, nó làm tôi khó nghĩ, trừ phi ta học được cách thần diệu nào để đi, bất chấp luật thiên nhiên, nhờ gió mang chúng ta trên đôi cánh của nó vượt lên  không trung tuyết giá.
Cynara ngước nhìn anh và mỉm cười như người không lo lắng gì về tương lai, hài lòng chờ đợi  không thắc mắc. Cô nói.
– Hôm nay đẹp đẽ quá vậy đừng làm mất vui với ái ngại cho ngày mai, và tại sao làm con tim thanh thoát bị trì xuống vì nỗi sợ hãi có thể chỉ hão huyền không là gì cả, không có thực chút nào ?
Antonius cười to và khen ngợi đáp.
– Chưa chi cô đã có cách nói của người khôn ngoan, làm như có được triết lý tự nhiên không phải ra công học, như con chim biết hót, và tôi nghĩ Aristion nhiều phần sẽ thấy cô là học trò giỏi hơn tôi bất kể tôi đọc sách thế nào, nên nếu tôi không cố gắng chắc chắn cô sẽ vượt qua mặt tôi và tới đích trước. Nhưng nay ta phải đi tới gian nhà nhỏ để gặp thầy, tôi nghĩ cũng gần tới giờ và để ông phải chờ thật có lỗi và  không phải phép chút nào, ông đã tiếp đãi ta thật ân cần mà  không đòi hỏi có điều chi đáp lại.
Khi đi tới khúc quanh của vườn thấy được gian nhà, họ thấy hình dạng của Aristion bước ngang qua bãi cỏ. Ông chào hai người với một nụ cười, mời họ ngồi xuống băng ghế đá giữa hai cây cột chống mái vòm, có dây hoa hồng leo chung quanh nở rộ. Aristion ngồi đối diện họ ở phía bên kia trên một băng đá khác, ngẫm nghĩ một lúc trước khi nói, và mở lời chậm rãi.
– Dù ta có thể hưởng mọi lạc thú ở đời, gạt bỏ những bất tiện và phản ứng của chúng, nhưng sự vui thú ấy không so sánh bằng một phần ngàn với niềm Hoan Lạc có được khi ta thông hiểu Khoa học của Linh hồn, vì Khoa học ấy là nghệ thuật đầu mối sinh ra mọi Hoan Lạc. Nó ở trong lòng của con người mà  không phải ở ngoài. Thực thế, giống như niềm vui đến từ bên ngoài có điều kiện, trọn Hoan Lạc đến từ bên trong vô điều kiện. Nên vì thế hằng có đó bất kể ta biết hay  không.
'Mà ngay cả niềm vui tôi nói đến từ bên ngoài, chỉ là vậy về hình dạng mà không phải có trong thực tại, vì không tiền của, đất đai, thức ăn ngon, y phục hào nhoáng nào tự chúng chứa đựng niềm vui, mà chỉ dùng để thu hút một phần rất nhỏ của niềm vui bất tận tiềm ẩn trong linh hồn của mọi vật.
'Chuyện không thể khác hơn vì với người này y phục rực rỡ làm họ hân hoan nhưng người kia  không cảm thấy vậy; người sau thích thú với việc sở hữu nhiều đồ vật mà điều ấy  không làm người thứ ba vui; người này thích ăn ngon tuy nhiên người thứ tư không như thế, và chuyện tiếp tục hoài không ngưng. Vì nếu sự vui thú nằm bên trong những điều này thay vì trong con người, sự thực sẽ là không có khác biệt về ưa thích mà giống nhau, ai cũng hân hoan như ai. Không, đối tượng của ngũ quan không gì khác hơn là những ống sáo, và cái Trí là người chơi, niềm Vui là ngọn gió sinh ra âm thanh. Thực thế, người chơi lùa gió vào ống sậy bởi tự nó không thể vào, nếu không có kỹ năng và hơi của người thổi, nhạc cụ không thể phát ra âm thanh và hóa vô dụng như một hòn đá.
Tới đây Aristion ngưng một lát, nhìn dò hỏi hai học trò như để xem chắc là họ hiểu, rồi ông tiếp tục.
– Nay, hãy biết rằng Khoa học Minh triết là khiến cái trí làm một với niềm vui vô điều kiện nằm ở nội tâm, và đó là Thực Tại đối nghịch với Ảo Ảnh; và chẳng những với niềm vui vô điều kiện, mà luôn cả bạn cùng với nó là Mỹ Lệ vô điều kiện, và Tình Thương vô điều kiện, nếu  không có hai điều sau thì niềm vui toàn hảo không thể nào có được. Nhưng để được vậy, ta phải dùng ý chí thanh lọc cái trí hết mọi cặn bã, như hạt sương mai phải sạch hết bụi mới có thể phản chiếu được mặt trời.
'Hãy xem Linh hồn tựa như mặt trời của niềm vui bất tận, và cái trí được thanh tẩy phản chiếu nó, tuy thí dụ quả thật sơ sài và chỉ là nỗ lực tạm bợ để làm bạn hiểu được chân lý. Cái trí phải tràn ngập niềm vui của linh hồn, và mỗi cảm xúc đối nghịch với niềm vui không thể xóa đó bị ý chí loại bỏ ra, tựa như bụi trên gương được tay người lau chùi xóa sạch. Hạt bụi trên gương của trí não thì  không gì khác hơn là những tật xấu và tình cảm của con người làm buồn rầu, điều chỉ là ảo ảnh mà trong thực tại không có buồn rầu nào, tuy nó có vẻ như vậy do chính ảo ảnh ấy. Bởi sự buồn rầu có gì khác hơn là việc thiếu vắng niềm vui, như bóng tối không gì khác hơn là sự thiếu vắng ánh sáng, khi cửa đóng ngăn chặn mặt trời mà vật sau hằng chói lọi bên ngoài ?
'Thế nên hãy biết rằng giống như ai mở cánh cửa phòng mình để đón nhận ánh sáng mặt trời, xua tan hết bóng tối, thì ai mở cánh cửa của trí mình với niềm vui của linh hồn, xua tan hết mọi phiền não, nó rơi rụng khỏi anh dễ dàng như nước rớt từ lông trên lưng chim thiên nga, hay như người lớn gạt bỏ nỗi lo sợ của tuổi thơ. Bởi giống như  không một vật gì, dù thế nào đi nữa, tự nó có niềm vui thì không một vật hay chuỗi biến cố gì, dù thế nào đi nữa, tự nó có sự buồn rầu; và hãy biết rằng điều này là bài học đầu tiên và giá trị nhất trong tất cả các bài học, giải trừ mọi ảo ảnh cho người, và cuối cùng làm họ được giải thoát.
Tới đây Aristion mỉm cười thân ái với hai học trò của ông, đứng lên khỏi ghế, nói.
– Vậy là đủ triết lý cho ngày hôm nay. Tuy ông thầy luôn sẵn sàng chỉ dạy, nhưng học trò dễ bị mệt mỏi, học không vô. Hơn nữa ông có những bổn phận khác không được quên lãng và phải làm tròn, nên xin rời hai bạn và để hai bạn được tự do.
Nói xong Aristion đi ra, và chỉ gặp lại hai người vào giờ ăn tối. Theo lời khuyên của vợ ông, Antonius và Cynara đi dạo trong rừng kế bên, rất đỗi hài lòng, lắng nghe tiếng róc rách của suối và tiếng hát của chim, ngẫm nghĩ lại tất cả những điều đã học, tự hỏi ngày mai có bài học mới nào.
Và rồi vào cùng giờ như ngày hôm trước, ba người lại gặp nhau trong gian phòng nhỏ giữa những cây thông. Khi đã ngồi yên chỗ, Aristion mỉm cười với họ, mắt long lanh có chút nghi ngờ và bắt đầu nói.
– Khi xưa có một con ngỗng sống với bầy ở nông trại trên sườn đồi, có cuộc đời đơn điệu như những con ngỗng khác, đi lạch bạch tới lui và kêu quang quác không ngưng, thêm vào sự chộn rộn ồn ào của sân trại. Chủ nó là người không hài lòng với việc chỉ làm sinh sôi nhiều thú vật, mà còn thấy cần phải sinh ra nhiều con cái. Những trẻ này chạy chơi trong sân bất kể giờ nào trong ngày, gây huyên náo không kém gì loài vật, luôn nghĩ ra trò phá phách mới mà chúng có thể làm, và tìm cớ để làm ồn hơn nữa.
Ngày kia, trẻ lớn nhất là anh cả nói với các em.
– Anh mới học được từ bạn học ở trường một trò chơi với con ngỗng kia, chẳng cần gì khác ngoài viên phấn để vẽ vòng tròn trên đất; nếu làm vậy và đặt con ngỗng vào giữa, nó sẽ đứng một chỗ, tưởng rằng bị giam và xem nó làm trò rất vui.
'Nói xong cậu móc trong túi ra một viên phấn, lấy nó vẽ một vòng tròn lớn trên sân, cùng lúc đó kêu các em trai đi bắt con ngỗng và đặt nó vào giữa vòng tròn. Làm xong thì chuyện diễn ra y như đã nói, là con ngỗng khờ khạo đi vòng quanh chỗ giam giữ tưởng tượng, làm như  không sao tìm được lối ra. Nó tự nghĩ.
– Xui xẻo chưa, mình bị nhốt trong vòng mà mấy đứa trẻ ranh này làm ra, mình không còn có thể đi quanh sân tìm thức ăn, không chừng mình bị để cho bị đói, phải chết đáng tội như vầy, còn lũ trẻ cầm tù thì đứng nhìn, chế nhạo.
'Nên con ngỗng la quang quác, vỗ cánh phành phạch loạn xạ, than vãn việc bị giam cầm mà không phút nào ý thức là nó được tự do.
Aristion ngưng chốt lát và mỉm cười, rồi nói chậm rãi.
– Nay hãy biết rằng con ngỗng ấy không gì khác hơn là hình ảnh của con người, bị huyễn hoặc do vô minh, bị các nỗi lo sợ xúm vào khuấy phá mà chỉ thuần là tưởng tượng và tương đối, không có thực chút nào trong thực tại. Vì cũng như trong thực tại con ngỗng bị mê muội đó có hoàn toàn tự do, bất cứ lúc nào cũng có thể bước ra khỏi vòng rào tưởng tượng, thì nhân loại trong thực tại hằng được hạnh phúc, chỉ cần ý thức hạnh phúc của mình để trở thành điều mà thực ra họ đã là.
'Vì những nỗi buồn rầu của họ là ảo ảnh nhỏ hoàn toàn sinh ra từ ảo ảnh lớn hơn, dễ bị loại trừ khi nhận ra chân lý, vì chân lý và ảo ảnh không thể hiện hữu cùng một lúc, chẳng khác nào nước và lửa không thể hiện diện cùng một nơi. Vì hãy biết rằng xưa kia có một người đàn bà nhút nhát, ban đêm đi bộ trên con đường vắng vẻ, thoáng thấy một người đàn ông đứng bất động bên lề đường. Cô kinh hãi rụng rời nhưng khi đến gần khám phá thấy đó chỉ là một cái cây, ảo ảnh về người đàn ông biến mất cùng với nỗi sợ hãi của cô. Điều sau cũng như là người đàn ông đều là dựa trên ảo ảnh.

 

Cyril  Scott
The Initiate I
(còn tiếp)